Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2011

Đổ xô đầu tư kho lạnh - chủ động trong kinh doanh

(TBKTSG Online) - Đầu tư và kinh doanh kho lạnh, một loại dịch vụ hậu cần cho xuất nhập khẩu (logistics), đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm vì mức độ "sốt nóng" của kho lạnh không khác gì văn phòng cho thuê.  
Đầu tư ào ạt 
Cuối tuần trước (16-2), Seaprodex Sài Gòn đã khởi công xây dựng cụm kho lạnh có công suất chứa 9.000 tấn tại khu công nghiệp Sóng Thần 2, huyện Dĩ An, Bình Dương với vốn đầu tư 3,5 triệu đô la Mỹ, dự kiến đi vào hoạt động vào tháng 9 năm nay.
Ông Đặng Quốc Tân, Trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư của công ty, cho biết tính luôn công trình mới này thì công ty có đến 4 kho lạnh nằm rải rác ở TPHCM và Bình Dương.

Ngoài việc sử dụng kho lạnh làm nơi trữ hàng thủy sản đông lạnh trước khi bốc xếp lên tàu xuất khẩu, công ty còn kinh doanh dịch vụ kho lạnh, khách hàng chính là các doanh nghiệp thủy sản đồng nghiệp ở các tỉnh. Trước đó, Công ty cổ phần Hùng Vương đã khởi công xây dựng kho lạnh với sức chứa 30.000 tấn tại khu công nghiệp Tân Tạo, dự kiến tháng 7 năm nay đi vào hoạt động. Ngoài chế biến và xuất khẩu cá tra ở Tiền Giang, công ty này còn kinh doanh hệ thống kho lạnh có công suất chứa 12.000 tấn cũng tại khu công nghiệp Tân Tạo.
Ông Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương, cho biết hệ thống kho lạnh hiện tại không đủ đáp ứng nhu cầu lưu trữ hàng thủy sản ngày càng nhiều của chính công ty và của các công ty thủy sản bạn.
Tháng 10 năm ngoái, Công ty Swire Cold Storage Việt Nam (doanh nghiệp 100% vốn của Anh quốc) đã đưa vào hoạt động giai đoạn 5 của hệ thống kho lạnh Swire tại khu công nghiệp Sóng Thần 1, Bình Dương với tổng vốn đầu tư 25,66 triệu đô la Mỹ, được xem là hệ thống kho lạnh hiện đại bậc nhất Việt Nam, có dung lượng khoảng 20.000 tấn.
Điểm qua một vài kho lạnh đã và đang đầu tư trong vòng nửa năm lại đây cho thấy đầu tư và kinh doanh kho lạnh đang sôi động. Một nhà đầu tư kho lạnh ở quận 7 ví von đầu tư và kinh doanh kho lạnh hiện nay đang “sốt nóng” không khác gì các dự án bất động sản hay các doanh nghiệp đổ xô đi kinh doanh đa ngành bằng cách đầu tư vào bất động sản.
“Nhu cầu xuất nhập khẩu hàng đông lạnh như tôm, cá, rau quả, hàng thực phẩm ngày càng tăng đột biến là nguyên nhân làm cho nhiều doanh nghiệp đầu tư kinh doanh kho lạnh nhưng cung vẫn không đủ cầu”, nhà đầu tư này cho hay.
Các nhà đầu tư kho lạnh hoặc là chuyên kinh doanh kho lạnh như trường hợp Swire hoặc chính là các nhà xuất khẩu nông, thủy sản đông lạnh đầu tư kinh doanh thêm kho lạnh.
Hệ thống kho lạnh thường được xây dựng gần các cảng, hiệu quả nhất là trong bán kính khoảng 50km. Có lẽ vì lý do này mà hệ thống kho lạnh hiện nay chủ yếu được đầu tư xây dựng ở huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, Tân Phú, quận 7 để trữ hàng cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở các tỉnh ĐBSCL qua cảng Sài Gòn và các cảng ở quận 7.
Các kho lạnh xây dựng ở Thủ Đức, quận 9 của TPHCM hay Dĩ An của Bình Dương thường “đón” hàng của các công ty ở miền Đông Nam bộ, miền Trung và Tây Nguyên đi qua các cảng Cát Lái, ICD Phước Long.
Cầu cao hơn cung

Công nhân kho lạnh đưa hàng từ xe tải vào kho chứa trữ - Ảnh: HỒNG VĂN
“Công ty chúng tôi chuyên cho thuê kho lạnh chứa các mặt hàng thủy hải sản, rau quả, trái cây, các mặt hàng khô. Vị trí nằm ngay trung tâm quận Bình Tân với vị thế rất thuận lợi...”. Mẫu quảng cáo cho thuê kho lạnh này đăng trên báo cách nay chưa lâu. Một tuần sau khi báo đăng, người viết bài này trong vai một doanh nghiệp thủy sản, điện thoại liên lạc thì được biết diện tích cho thuê gần như đã lấp đầy. “Nếu anh muốn thuê kho thì phải trả thêm tiền chứ không như giá đã đăng báo”, người đại diện kho lạnh, khẳng định qua điện thoại.
Một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cho rằng, trường hợp đăng báo của kho lạnh nói trên khá hiếm hoi trong kinh doanh kho lạnh, đa phần các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải tự tìm tới chủ kho lạnh chứ kho lạnh chẳng cần quảng cáo.
Đại diện quản lý kho Swire cho biết, kho luôn hoạt động 100% công suất mà cũng chưa đáp ứng hết yêu cầu của khách hàng. Còn đại diện kho lạnh Liên Hiệp khẳng định: “Đã có rất nhiều đơn vị đến đặt vấn đề hợp tác thuê kho, nhưng công ty phải từ chối vì không thể nhận thêm hàng. Hiện nay, kho Liên Hiệp đã kín chỗ từ nay đến hết tháng 5-2008”.  
Tính bình quân trong năm 2007, giá thuê kho lạnh đã tăng từ mức phổ biến là 0,9 -1 đô la Mỹ/tấn hàng lên 1,2 -1,3 đô la Mỹ/tấn hàng.  
Các chủ kho lạnh cũng cạnh tranh thu hút khách hàng bằng nhiều cách khác nhau, từ cho doanh nghiệp thuê kho độc lập để tiện cho việc lên, xuống hàng của khách hàng, hệ thống kiểm soát nhiệt độ, đội ngũ xe tải container làm dịch vụ chuyên chở hàng và vị trí kho lạnh có thuận tiện hay không.
Thế nhưng, các nhà đầu tư kinh doanh kho lạnh hiện nay đều than phiền, họ đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc đầu tư mở rộng công suất chứa hàng, bởi không dễ để tìm mặt bằng rộng, có vị trí thuận lợi. Do vậy, một số nhà đầu tư có xu hướng dịch chuyển đầu tư kho lạnh từ TPHCM lên Bình Dương và xuống Long An.  
Ông Đoàn Hồng Dũng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Long Hậu, chủ đầu tư khu công nghiệp Long Hậu ở Long An, cho biết có nhiều nhà đầu tư đăng ký đầu tư kinh doanh kho lạnh tại khu công nghiệp này để gắn với cảng Hiệp Phước gần đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét